Doanh nghiệp chưa mặn mà tiêu chuẩn ?
Mỗi doanh nghiệp khi muốn duy trì hoạt động của mình cần phải đưa ra những tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn trở thành công cụ quản lý và là căn cứ để người lao động thực hiện. Tiêu chuẩn hoá là không thể thiếu với tất cả các doanh nghiệp trong quá trình quản lý, triển khai thực hiện công việc, tạo mối quan hệ gắn bó, hợp tác và góp phần xây dựng văn hoá doanh nghiệp doanh nhân. Tiêu chuẩn giúp doanh nghiệp phát huy khả năng sáng tạo, tính cần cù, chăm chỉ của nhân viên, tăng cường cải tiến dịch vụ chăm sóc khách hàng; phát triển hợp tác trong các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, khoa học công nghệ… Việt Nam đã là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực, điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải hiểu rõ những quy chế tiêu chuẩn, quy định và luật lệ của từng đối tác quan hệ.
Hiện nay, Việt Nam có hơn 250.000 doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 95%; hơn 3 triệu hộ cá thể, trên 2.000 làng nghề, hơn 110.000 trang trại. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2010, Việt Nam sẽ có khoảng 500.000 doanh nghiệp. Không phủ nhận đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm sát sao tới tiêu chuẩn và coi như lợi ích sát sườn nhưng vẫn còn không ít doanh nghiệp thờ ơ với việc áp dụng, triển khai thực hiện các tiêu chuẩn. Phần lớn đối tượng này lại rơi vào doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có một thực tế đang diễn ra khá phổ biến là nhiều doanh nghiệp nhỏ không biết phải áp dụng tiêu chuẩn gì cho phù hợp và sản phẩm của mình khi tung ra thị trường có đạt tiêu chuẩn và đáp ứng nhu cầu không.
Theo con số thống kê của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng công bố tại Hội nghị thập niên chất lượng lần I, chỉ có hơn 1.000 đơn vị được cấp chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000; khoảng 50 đơn vị phù hợp tiêu chuẩn Hệ thống quản lý chất lượng môi trường ISO 14001… Còn những tiêu chuẩn khác cao hơn như: HACCP, GPM, SA 8000, OHSAB… thì rất ít đơn vị áp dụng thực hiện được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn.
Lộ trình thu hẹp khoảng cách
Mặc dù Việt Nam đã là thành viên của 3 tổ chức tiêu chuẩn quốc tế lớn nhất thế giới là Tiêu chuẩn Quốc tế (ISO), Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) và Ủy ban Kỹ thuật điện Quốc tế (IEC) nhưng hệ thống TCVN so với quốc tế còn một khoảng cách khá xa để có thể đạt mức hài hoà.
Đây chính là áp lực tạo sự cản trở khi các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nước ngoài và ở những thị trường khó tính, có đòi hỏi về tiêu chuẩn kỹ thuật cao như châu Âu, Mỹ… Trong thời gian qua, đã có không ít vụ các mặt hàng Việt Nam phải đối mặt với các rào cản tiêu chuẩn kỹ thuật trong thương mại mà một phần xuất phát từ lý do này.
Để hội nhập kinh tế thế giới, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hoá trên trường quốc tế, không còn cách nào khác, Việt Nam phải hài hoà các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Việc Luật tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ra đời và có hiệu lực từ ngày 1/1/2007 sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để đổi mới, hoàn thiện các tiêu chuẩn cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế khi Việt Nam là thành viên của WTO.
Doanh nghiệp nhỏ vượt vũ môn
Tiêu chí chung của Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) là xoá bỏ được những rào cản kỹ thuật trong thương mại để tạo sự phát triển kinh tế thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, trong mỗi quốc gia vẫn tạo ra các hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật để bảo vệ lợi ích quốc gia và bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Những quy định này phải hợp lý và dựa trên cơ sở phù hợp với điều kiện kinh tế-kỹ thuật và địa lý môi trường của quốc gia.
Vấn đề đặt ra với các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ khi xuất khẩu sản phẩm sang các nước này phải hiểu được luật pháp, nắm được tiêu chuẩn và quy định này. Để sản phẩm hàng hoá có thể tồn tại, cạnh tranh được, các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động vượt qua được những rào cản và nâng cao sức cạnh tranh bằng những việc áp dụng các tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần sử dụng các tiêu chuẩn quốc gia, nhất là các tiêu chuẩn quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm như là một biện pháp kỹ thuật công cụ để bảo vệ lợi ích quốc gia và người tiêu dùng trong nước. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua hệ thống các cơ quan thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia để cung cấp thông tin cần thiết, các tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật, nhất là nhưng tiêu chuẩn quy định của các nước kinh tế phát triển, những đối tác mà doanh nghiệp Việt Nam có hàng hoá tham gia xuất khẩu.
Việc áp dụng các tiêu chuẩn để hàng hoá có thể đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế với doanh nghiệp nhỏ là rất khó khăn. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phấn đấu có những quy định trong tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật để những doanh nghiệp nhỏ có thể tham gia áp dụng được. Đặc biệt, Việt Nam sẽ hỗ trợ để đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp và nâng cao tiếng nói của doanh nghiệp nhỏ trong hoạt động tiêu chuẩn hoá. Sức cạnh tranh khi tham gia thị trường thế giới hoàn toàn phụ thuộc vào nội lực bản thân của mỗi doanh nghiệp nhỏ. Để làm được điều đó, các doanh nghiệp nhỏ cần phải đổi mới, cải tiến công nghệ, có những biện pháp quản lý thích hợp, áp dụng kinh nghiệm quản lý tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu chi phí và tăng sức cạnh tranh.
(Nguồn: TCĐLCL)